Giỏ hàng

Ông tổ ngành in - Johannes Gutenberg

Mặc dù Trung Quốc là quốc gia tiên phong trong việc in sách trên giấy, nhưng một người Đức tên Johannes Gutenberg mới là người phát minh ra máy in, tạo bước đột phá trong ngành in ấn.  

Johannes Gutenberg lớn lên trong một gia đình thợ kim hoàn. Ông đã kết hợp kiến thức về kim loại và cơ khí để phát triển một phương thức in mới, thay cho những quyển sách được viết bằng tay, những bản in gỗ không rõ nét hay loại sách khắc chữ đắt đỏ: máy in thủ công bằng chữ kim loại có thể dịch chuyển được.  

Gutenberg đã kết hợp nhiều công nghệ thời bấy giờ để tạo ra cách thức ấn loát này, bao gồm: khung chữ rời bằng kim loại sắc nét, từ các chữ cái viết hoa, viết thường đến dấu câu đều có thể sử dụng trong bất kỳ văn bản nào; máy ép gỗ thủ công được điều chỉnh từ kỹ thuật làm rượu và dầu ô liu; cùng loại mực đậm và dày, phù hợp cho việc in ấn, làm bằng bồ hóng và dầu . Chiếc máy in Gutenberg được làm dựa trên cơ chế mặt phẳng ép mặt phẳng, vận hành bằng sức người, có công suất khoảng 100 tờ/giờ. Ông là người đầu tiên phát minh ra cách thức in hàng loạt được tiêu chuẩn hóa. Đó đích thị là một bước tiến vĩ đại trong lịch sử công nghệ thế giới.    

Sáng chế của ông đã cách mạng hóa ngành in ấn, giúp việc sản xuất sách trở nên dễ dàng và rẻ hơn, điều mà dường như bất khả thi trong thời điểm bấy giờ, đánh dấu một kỷ nguyên mới, góp phần đưa tri thức đến với nhiều tầng lớp trong xã hội. Vì nhờ có phát minh của ông mà rất nhiều người, lần đầu tiên trong cuộc đời họ có thể học đọc và viết, mở ra cho họ một thế giới tươi sáng của tri thức, đồng thời phá vỡ sự độc quyền của giới thượng lưu về giáo dục và học tập. Nó cũng góp phần lớn lao  trong sự phát triển của thời Phục hưng cũng như thúc đẩy sự phát triển của khoa học, nghệ thuật qua việc in và chia sẻ các tác phẩm một cách nhanh chóng. 

Sau phát kiến của ông, công nghệ in ấn nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu. Trong thế kỷ 17 và 18, máy in bằng kim loại  đã thay thế máy in gỗ, cải tiến chất lượng sách và phát triển  in ấn có màu. Đến thế kỷ 19, máy in quay và in offset ra đời, giúp tăng tốc độ in và giảm thêm chi phí. Thế kỷ 20 đánh dấu sự xuất hiện của in ấn kỹ thuật số với máy in laser và in phun, cũng như công nghệ in 3D mở ra nhiều ứng dụng mới. Ngày nay, người ta cũng kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa quy trình sản xuất. Công nghệ in ấn đã không ngừng phát triển, từ những bước khởi đầu của Gutenberg đến những tiến bộ hiện đại. Nhờ những nền móng ông đặt ra, tri thức đã được phổ cập rộng rãi hơn bao giờ hết, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại qua các thời đại. Những di sản ấy mãi mãi ghi dấu trong lịch sử văn minh loài người. 

Danh mục tin tức

Từ khóa